Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 77

    Đã truy cập: 776480

Di tích - Văn hóa - Lịch Sử

1. Chùa Tuyết Sơn phong tự - Làng Mậu Xương

Tuyết Sơn Phong Tự (Chùa Mậu Xương) tọa lạc ở làng Mậu Xương – xã Quảng Lưu – huyện Quảng Xương – tỉnh Thanh Hóa. Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Trần, gần 600 năm với bao biến đổi do thiên nhiên và những thăng trầm của xã hội, ngôi chùa vẫn bề thế trên nền đất phong thủy, tâm linh, được nhân dân trong vùng gần xa tín ngưỡng.

Chùa Mậu Xương nằm trên khu đất hình thang "Đầu rồng" có diện tích tự nhiên là 12.500m2. Là ngôi chùa thờ phật và nội đạo liệt thánh. Đó là nét văn hóa riêng của ngôi chùa Tuyết Sơn Phong. Chùa hình thành từ thời Trần, thuở sơ khai chùa có tên là Tuyết Phong, đến thời Lê chùa có tên là Tuyết Sơn Phong. Khi Phật Tổ giáng hạ và làng đổi tên thì chùa có tên gọi là Yên Đông, đến năm 1830 làng Yên Đông lại đổi tên là làng Mậu Xương và từ đây chùa lại mang tên là chùa Mậu Xương cho đến ngày nay.

Sự hình thành và ra đời của ngôi chùa Mậu Xương rất đặc biệt. Truyền thuyết kể về sự giáng sinh của Phật Tổ và liệt Thánh nội đạo chùa Mậu Xương như sau: Năm 1578 Mậu Dần, ông Trần Ngọc Thích, con cái chưa có mà tuổi đã cao, ông đến chùa Tuyết Phong – Làng Nguốn cầu nguyện mong có người nối nghiệp tông đường. Đến năm 1583, bà Hiệu Từ Ái (vợ ông) sinh hạ một nam nhi, dáng mạo khác thường, mặt như trăng rằm, thông sáng hơn người, đặt tên là Trần Ngọc Lành, lớn lên tinh thông võ lược văn thao, sau đổi tên là Trần Ngọc Trân. Vì cha bị bệnh nên ông không làm quan mà vào chùa Tuyết Phong cầu nguyện cho cha, ở đây ông gặp một vị Tôn Sư. Tôn Sư cùng ông vào chùa cầu nguyện và bảo ông đem nước lạnh, tàn nhang về nhà cho cha uống sẽ khỏi bệnh. Quả nhiên đúng như lời Tôn Sư nói.

Năm Bính Dần 1626, Ngài bỗng thấy trời mây đen tối, vị Tôn Sư xuất hiện trên điện thờ mà nói với ngài rằng: Ta với con vốn có tiền nhân, nay đến đây bái đạo vài lời tiễn biệt, ngài vội khấu đầu nói: Từ khi được bảy nén hương để lại phụng thờ, một lòng kính mộ, há dám hẹn lại, nay thấy Tôn Sư xin xả thân đầu giáo, nhưng chưa cởi bỏ tấm thân phàm tục, phỏng biết có được không? Tôn Sư giảng đạo và chỉ cho ngài rằng: Tiền thân con là Quốc Vương Tây Vực, có lòng nhân ái, rất sùng đạo phật, sau khi hóa thân đã được thụ sắc Na- La- Tri- Phật. Từ đó đêm đêm Tôn Sư giáng hạ về chùa truyền đạo pháp cho Trần Ngọc Trân.

Năm Mậu Thìn 1628 Trần Ngọc Trân tham gia đào đắp đường huyệt, bắt gặp một bản đồng, trong đó có 40 ấn đồng, ngài mang về chùa, hương đăng cầu nguyện, hai tay vỗ vào nhau thành ấn, mở ra thành quyết, dậm chân luyện pháp cả vùng, phong vũ âm vang. Từ đó ngài đắc đại "Lục trí thần thông" hô phong hoán vũ, ngài là Đức Phật Tổ - Thượng Sư Phật Bảo – Tự Pháp Lượng. Từ đây chùa Tuyết Sơn Phong còn có tên là chùa Yên Đông vì tên làng Nguốn đã đổi tên thành làng Yên Đông, nay là chùa Mậu Xương, xã Quảng Lưu.

Ngài ra tay cứu nhân, giúp đời, dẹp yêu trừ quái. Ngài giáng hạ giúp đời giờ Dần ngày 11/06/1583 (năm Quý Mùi), ngài quy tiên giờ Dậu ngày 28/01/1643( Quý Mùi), thọ 60 tuổi. Từ đó nhân dân trong vùng hàng năm làm cỗ đến chùa để lễ kỷ niệm ngày mất của Phật Tổ là ngày 28/01.

Ở thời Lê chùa xếp theo hình chữ tam và có tất cả ba cung thờ phụng. Cung thứ nhất: Cung Chính Tẩm thờ Thượng Không Phật Bảo và Nội Đạo. Cung thứ hai: Thờ Tam Bảo Ngoại và Quan Âm Bồ Tát. Cung thứ ba: Thờ Phật Thích Ca và hộ pháp.

Ngày nay do nhu cầu của nhân dân và số lượng khách đến chùa ngày càng nhiều, vì vậy được sự đồng ý của nhà nước và phòng danh thắng tỉnh Thanh Hóa, ban quản lý di tích đã quy hoạch lại.

Năm 2013 chùa làm lại mới cung Chính Tẩm bằng gỗ lim (còn lại đều bằng bê tông). Năm 2014 có làm thêm nhà khách và bếp. Ban trụ sự chùa Mậu Xương cũng đã trình lên các cơ quan ngành văn hóa tỉnh để xây dựng thêm nhà viết sớ để phục vụ du khách thập phương đến chùa cầu nguyện.

Xung quanh vườn chùa trồng cây xanh, sân chùa cây cảnh, bể cạn, bể Hoàn Ngọc, ao chùa tương đối khang trang theo quy hoạch tổng thể. Khu di tích còn phải tiếp tục xây thêm một số công trình, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Đây là ngôi chùa có vị trí địa lí đẹp, kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa.

Là chùa thờ phật giáo gắn liền với sự giáng sinh của phật tổ và liệt Thánh nội đạo nên nhà chùa không có sư. Phật tử trông coi chùa không mặc áo cà sa và không cạo trọc đầu, nhà chùa vẫn cúng muối, gạo và thịt sống. Lễ phật hàng năm có rất nhiều ngày và quan trọng nhất là lễ hội làng ngày 14 – 15 tháng giêng (Rước Linh vị các Nghè thần về chùa. Rước cỗ cụ Chỉ) và lễ húy kỵ Phật Tổ ngày 28/1 (Rước Cỗ Cụ Thủ Chỉ trong làng). Các ngày lễ được tổ chức rất trọng thể và hành lễ theo kinh sách lưu lại của nội đạo. Trong lễ hội có các trò chơi dân gian như: đánh vật, chèo thuyền, đốt pháo bông, hát bội, hát nhà chòi,... kết hợp với âm thanh vang dội của tiếng trống, tiễng mõ. Ở chùa không bói toán, thăng dương, chỉ phán hay lợi dụng Phật Thánh để làm những việc phi pháp, sai lệch nét văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Bên cạnh giá trị tâm linh thì chùa Mậu Xương còn có giá trị lịch sử to lớn, có bề dày gần 600 năm, một niên đại như vậy cho nên không còn những di tích vật thể ban đầu. Chùa đã được nhân dân địa phương và khách thập phương đóng góp xây dựng nhiều lần, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 25/01/1998, đến tháng 01/2017 chùa đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Quá trình xây dựng, tôn tạo ngôi chùa khẳng định giá trị tinh thần tín ngưỡng phật đạo của nhân dân ta.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền xã Quảng Lưu cùng với Ban quản lý di tích chùa Mậu Xương hoạt động, phát triển văn hóa phi vật thể và tôn tạo xây dựng ngôi chùa ngày càng khang trang theo định hướng văn hóa du lịch trong giai đoạn mới.

Hàng năm vào mỗi dịp xuân về, nhân dân và bà con phật tử khắp nơi đổ về hành lễ ở chùa như trẩy hội. Bà con không chỉ về lễ phật mà còn đến đây vãn cảnh chùa tìm kiến những giây phút thư thái, thanh tịnh, trút bỏ mọi ưu phiền, lo toan trong cuộc sống đời thường. Chùa Mậu Xương thực sự là ngôi chùa nội đạo, là nơi hội tụ tâm linh, tín ngưỡng người Việt đặc sắc của quê hương miền biển Quảng Lưu nói riêng và xứ Thanh nói chung.

Ban quản lý di tích chùa Mậu Xương

2. Đền thờ Nguyễn Hữu Huân - Làng Lưu Huyền

Đền thờ Nguyễn Hữu Huân tọa lạc tại địa phận làng Lưu Hiền, xãQuảng Lưu. Đất Lưu Hiền vốn từ xưa đã có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt nắm giữ các chức như Tri phủ huyện ngoài, Tham biện tỉnh vụ trong tỉnh. Đặc biệt, ở đầu thế kỷ thứ XVII, làng Lưu Hiền xuất hiện Nguyễn Hữu Huân, một nhân vật lịch sử tài năng của địa phương, người đã có công giúp cho vua Lê trong sự nghiệp Trung hưng đất nước.

Nguyễn Hữu Huân sinh vào khoảng năm (1628), mất vào mùa xuân năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677). Trong quá trình phò Vua giúp nước ông đã có nhiều chiến công nên được tặng nhiều bằng sắc ca ngợi công lao cũng như khi mất giao cho dân thờ cúng.

Lịch sử và hành trang của Ngài được chép trong các nguồn sử liệu chính, không kể những truyền thuyết, chuyện kể liên quan đến ông mà những người cao tuổi làng Lưu Hiền còn truyền tụng lại. Ông có duệ hiệuTuấn Lương Đại vương.

Nguồn tài liệu thứ nhất xác định Nguyễn Hữu Huân là người có công “Dực vận phù quốc”(Lớn lao phù giúp đất nước) được làng Lưu Hiền tôn thờ làm Phúc thần, được ghi chép trong sách “Thanh Hóa chư thần lục”. Một cuốn sách được bộ Lễ biên soạn vào niên hiệu Thành Thái thứ15(1903).

Nguồn tài liệu thứ 2 khẳng định một cách chắc chắn thôn Lưu Hiền, xã Thủ Hộ, tổng Thủ Hộ, huyện Quảng Xương thờ phụng Tuấn Lương tôn thần được ban năm Tự Đức thứ 10 (1857).

Nguồn tài liệu thứ 3: Thần chủ hiện tại đền thờ ông ghi: “Đương cảnh thành hoàng Lê triều sắc tặng phong Tuấn lương Đại vương thần vị”.

Văn tế thần chữ Hán ghi nguyên văn như sau: “Dực vận phù quốc thần võ, phúc khánh hiền lương, nhung uý trung dũng, thần tổ hậu đức phong công, sưu quần bạt tuệ, thảo bí kế nhi, tiêm trừ khôi liệt, tiết phục thần quan, phi cương quán quân, phồn nhi tuyên ứng, kiềm lê trách nhiệm, biên cương trọng ký, Cao Bằng tự hợp, cảnh phiên duy liên ấp nhiệm, nhất phương chi chúa tể”.

Kết hợp nguồn tài liệu Sắc phong, thần phả và những di vật lưu giữ tại địa phương, cùng với chính sử cho ta biết ngài tham gia đánh trận tại đất Cao Bằng, dưới thời Lê Trung hưng.

Theo chính sử: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mụcghi chép rất rõ: Bấy giờ đảng ngụ ở các xứ đều nổi lên, chúng cướp bóc, quấy nhiễu sở tại, các châu huyện bị đau khổ vì chúng. Nhà Mạc bị thất bại liên tiếp liền chạy sang cầu cứu Nhà Minh (Trung Quốc). Được sự che chở của các thế lực phong kiến nước ngoài, con cháu tướng tá nhà Mạc đã chiếm cứ Cao Bằng và xây dựng nơi đây thành một triều đình nhỏ, đối lập và chống lại chính quyền Trung ương.

Cùng thời gian này ở vùng Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang còn có các thế lực họ Vũ, họ Trần chiếm đất chống lại triều đình. Tại vựng đất Đại Đồng - Hà Giang, họ Vũ đã xưng Vương, lập thành một triều đình riêng, cátcứ liên kết với họ Mạc ở Cao Bằng.

Mùa xuân năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), Trịnh Tạc sai Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Huân(1) đem quân đi đánh Mạc Kính Vũ ở Cao bằng. Vũ thua chạy sang Trung Quốc, dư đảng nhà Mạc kể từ Kinh Dụ đến Kinh Vũ, trải qua 3 đời gần 85 năm chiếm cứ Cao Bằng. Đây là trận trị Mạc cuối cùng, nhà Mạc hoàn toàn chấm dứt, đất Cao Bằng đặt dưới sự cai quản của chính quyền trung ương.

Trong trận chiến đấu này, Nguyễn Hữu Huân đã hy sinh(1). Triều đình đưa thi hài ông về an táng tại quê hương ở thôn Lưu Hiền, khu mộ chí của ông được khoanh vùng với diện tích là 5.000 m2 ở cồn Cổ Hạc (còn gọi là khu Mả Quan). Từ đó, hàng năm, vào ngày 14 tháng 2 Âm lịch, triều đình cử quan quân về tế giỗ ngài, ngài được nhà vua ghi công “Dực vận phù Quốc” và truy tặng “Tuấn Lương Đại Vương”.

Trong làng, hàng năm có lễ hội trong tết Nguyên đán, tết cổ truyền 12tháng Giêng), hội huý kỵ 14 - 2 của ngài Nguyễn Hữu Huân, hội 15 tháng 3 và tháng 5, ngày tết Vu lan 15 tháng 7 và hội ăn cơm mới thường vào tháng 9 hàng năm.

Trong các ngày hội thì thường vào 3 ngày: Tết Nguyên đán và lễ hội 14tháng 2, địa phương hân hoan tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian như: hát bội, hát chèo, hát ghẹo, hát ống, hát nhà trò, đánh vật, chơi bài điếm, đánh cờ trống bỏi, chơi đu... Riêng hát nhà trò thường vui suốt đêm.

Xưa kia, đền thờ Nguyễn Hữu Huân được xây dựng khá đẹp và khang trang gồm: một hậu cung, 2 giải vũ. Trước 2 giải vũ là bể cảnh có hòn non bộ, tiền đường 5 gian, sân đền, bình phong và một cổng đền (gọi là Nghinh môn). Đền được xây dựng ở một khu dân cư sầm uất, gắn liền với dòng họ Nguyễn Hữu, nơi quê hương bản quán của ngài. Song, nơi đây là vùng đất cận kề biển cả. Đền lại không được bảo dưỡng thường xuyên, ảnh hưởng của chiến tranh, đặc biệt là sự xâm hại của bão gió, đền bị hư hại nhiều.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ V (khóa VIII) về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nhân dân, dòng tộc đã bỏ công sức tiền của sửa sang lại ngôi đền, phần nào mang những nét diện mạo xưa. Ngày 22 tháng 1 năm 2001, đền thờ Nguyễn Hữu Huân đã được tỉnh Sở Văn hóa Thông tin ra Quyết định Số 50/QĐ - VHTT công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 Hằng năm, cứ mỗi dịp xuân về, người dân làng Lưu Huyền  lại tụ tập về Đình để làm lễ dâng hương “tri ân và cầu phúc đầu năm”. Trong ngày này, mỗi họ đều có cỗ đem ra Đình để cúng tế. Đội tế lễ của làng trong trang phục cổ xưa hành lễ đã đưa con người hướng về “ôn cố tri tân”, các bậc tiền nhân đã có công “khai thác dương cơ, triệu bổi nghĩa chỉ” và nhờ có “xây đắp nền nhân” mà hậu duệ đời đời phát triển bền vững.

Ban quản lý di tích đền Nguyễn Hữu Huân

3 .Đình Lịch Giang

Tên gọi lịch sử: Đền thờ Nguyễn Phục ở các vùng ven biển Thanh Hóa đều gọi: Đền thờ Đông Hải Đại Vương hoặc Đông Hải tôn thần.

Nguyễn Phục đỗ tiến sỹ dưới thời vua Lê Nhân Tông thuộc Đông Quang thôn - Tổng Thủ Chính - Thanh Hóa Tỉnh.Nguyễn Phục dưới triều Hậu Lê làm quan tới chức Thái phó, ông được giao nhiều trọng trách quan trọng. Một lần đi chinh phục mở rộng vùng đất ở phương Nam cùng vua Lê Thánh Tông. Đi qua vùng biển Thanh Hóa vào đến cửa Tùng. Do mưa to, bão lớn ông đã chết trên biển ( truyền thuyết ông đã chết trên biển tổng thủ chính và xác ông còn nguyên vẹn áo giáp đai cân mũ thần và cùng một thanh gươm báu đã trôi vào làng Đông Quang.Một số người ngư dân của làng đi đánh cá đã vớt thi hài ông lên gò đất cao trước cửa vụng và gọi dân xóm đợi, xóm bắc, xóm bòn hòn, xóm miểu ra chôn cất ông nhưng khi dân ra thì thi hài ông đã được mối đăng cao thành ngôi mộ lớn.Nhân dân làng Đông Quang làm lễ yên vị cử táng tại thổ cho ông ở Mã thần( do biển vào ăn sâu vào thành vùng đất gọi là Mã Thần)

Hiện nay biển đã lùi xa khoảng 800m, phía trong cư dân xã Quảng Thái đã ở nhưng vùng đất xây đền thờ tôn thần vẫn còn nguyên vẹn ở làng Đông Quang xưa nay gọi là Làng Lịch Giang.Khu đất đền thờ ngài là Mã thần rộng 3 mẫu nhân dân làng làm khu nghĩa trang.

Sau khi ông chết vua Lê Thánh Tông cho các làng ven biển được lập đền thờ và phong ông làm:Đông Hải đại vương: các sắc vua ban còn lưu giữ ở tại các đền thờ.

Đền thờ Đông Hải đại vương được nhân dân làng Đông Quang xây trên một vùng đất cao thoáng.Phía tây là cánh đồng canh tác và dân cư ở.Phía Nam là bãi đất trồng cây 2 mẫu rưỡi nhìn về núi chẹt.Phía Bắc là cánh đồng sông rào xưa kia là vùng vụng của biển. Đền thờ trở hướng nam, trung tâm đền nhìn xuống biển: ngôi đền cao độ thiết theo kiểu đầu rồng cất lên. Khi đền làm xong thì từ bắc xuống nam hay từ đông sang tây bốn phía nhìn lại trông đền tựa như cây rộng lớn che chở người dân làng Đông Quang đi ngư chài trên biển làm ăn gặp nhiều may mắn.

Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn và cho đến năm 1945: phong trào ủng hộ cách mạng. Tham gia biến quốc  lật đổ chế độ phong kiến( đình làng Đông Quang và đền thờ Đông Hải đại vương là 2 căn cứ hoạt động của quân khởi nghĩa nổi dậy theo Đảng chống phong kiến.

Cuộc khởi nghĩa 26/02/1946 tại đình làng Lịch Giang dưới sự chỉ huy của Đảng.Lãnh đạo đoàn quân khởi nghĩa địa phương đứng đầu là ông: Võ Duy Ngạch và 21 người khác bắt tri huyện tham tuấn không thu thuế của dân, cướp 2 khẩu mút tông của pháp và trói 2 lính Pháp.

Từ đình làng Lịch Giang đi ra đền thờ Đông Hải đại vương khoảng 400m.

Đến năm 1959 thì đình làng Lịch Giang bị phá hủy để làm nơi công cộng. Tuy phần trên bị phá hủy cơ bản nhưng nền móng đền thờ và khu đất mã thần cùng con đường ra biển vẫn còn tồn tại cùng nền móng đình làng Đông Quang ngày nay còn nguyên vẹn.

Làng Lịch Giang ngày nay vẫn luôn ý thức tôn thờ: tôn Thần Đông Hải đại vương. Nên Đình làng Lịch giang đã được xây dựng lại trên nền móng cũ.Trên gò đất cao trông về hướng nam, trước của đền có hai động quan tướng( Truyền thuyết kể rằng cứ đến ngày 16/04 AL hàng năm là ngày giỗ ông.Thì sáng ra đã có 1 con lợn khoảng 40kg nằm ở trước cửa đền không có dây trói gì. Con lợn nằm yên để cho người dân làng Đông Quang bắt làm thịt cúng giỗ ông).

Từ trước cửa chính điện ta gặp bức trướng chữ hán nền đó( Tối linh tử) 2 bên trước hiên là 2 thần hộ pháp, tiếp theo là bàn thờ nhỏ có phổ đầu rồng và ở trên là lộng đỏ. Sơn son thiếp vàng nơi thờ hội đồng các quan.

Hiện tại thì đình đã được nhân dân công đức xây và tôn tạo được thiết kế thêm 2 đôi rồng chầu trên nóc và 2 con rồng chầu ở hạ diêm cùng bốn bức cảnh tranh sứ: thủy ngư và 6 đài sen.Hai bền trước thêm được xây dựng 2 nhà danh bia gọn nhỏ để ghi công đức.

Với những dị bản hiện có và hình tượng đã được in sâu vào tâm thức nhân dân làng Đông Quang xưa.Làng Lịch Giang ngày nay con cháu bao đời vẫn ngưỡng mộ ông và đền thờ ông vẫn luôn tồn tại.Hàng năm cứ đến ngày giỗ ông 16 tháng 4 âm lịch đã trở thành ngày hội của làng.

Ban quản lý di tích đình Lịch Giang

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG LƯU - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Hoàng Văn Hùng- Phó chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Quảng Lưu- Thôn Hiền Tây - Xã Quảng Lưu - Huyện Quảng Xương- Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0971469077

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa