Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 117

    Đã truy cập: 776817

Bài TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

UBND XÃ QUẢNG LƯU

 

       
   
 
 

 

 

 

 

 

 

 

Hỏi đáp pháp luật về

phòng chống tham nhũng

(Quy định tại Luật Phòng, chống

tham nhũng năm 2018)

Câu 1: Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 có hiệu lực từ thời điểm nào?

Trả lời: Luật PCTN năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018. Luật PCTN năm 2018 có bố cục 10 chương với 96 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, Luật PCTN năm 2005 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật PCTN năm 2007 và Luật PCTN năm 2012 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Câu 2: Có phải Luật PCTN năm 2018 chỉ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước không?

Trả lời: Không. Luật PCTN năm 2018 không chỉ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước mà Luật còn quy định một số điều được áp dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước như: Công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài nhà nước như quy định của Luật PCTN năm 2018 là vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã và đang có dấu hiệu gia tăng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực này cũng như hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước và hiệu quả của công tác PCTN nói chung.

Câu 3: Luật PCTN năm 2018 quy định như thế nào là tham nhũng, tài sản tham nhũng?

Trả lời: Theo quy định của Luật PCTN năm 2018 thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Câu 4: Thế nào là hành vi nhũng nhiễu, vụ lợi?

Trả lời: Luật PCTN năm 2018 quy định nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

Câu 5: Những người nào là người có chức vụ, quyền hạn?

Trả lời: Theo quy định của Luật PCTN năm 2018 thì người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Câu 6: Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là những cơ quan, tổ chức, đơn vị nào?

Trả lời: Theo quy định của Luật PCTN năm 2018 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc các trường hợp trên.

Câu 7: Các hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Luật PCTN năm 2018?

Trả lời: Theo quy định của Luật PCTN năm 2018 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

- Các hành vi tham nhũng quy định của Luật này.

- Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

- Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

- Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN theo quy định.

Câu 8: Việc phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được quy định như thế nào?

Trả lời: Luật PCTN năm 2018 quy định cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo.

Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Câu 9: Việc bảo vệ người phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng được quy định như thế nào?

Trả lời: Để bảo vệ người phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, Luật PCTN năm 2018 quy định việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Người phản ánh về hành vi tham nhũng cũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo.

Câu 10: Trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng và việc khen thưởng người phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng được quy định như thế nào?

Trả lời: Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của nội dung phản ánh, báo cáo. Người tố cáo hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình theo quy định của Luật Tố cáo.

Người có thành tích trong việc phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Câu 11: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gì trong công tác PCTN tại địa phương?

Trả lời: Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

        - Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về PCTN;

        - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN;

        - Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN;

         - Tổ chức công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về PCTN;

                - Hằng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác PCTN

 

Biên  soạn nội dung:

 Phạm Thị Hiền - Công chức Tư pháp - Hộ tịch                                                                                                           

 

 

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG LƯU - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Hoàng Văn Hùng- Phó chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Quảng Lưu- Thôn Hiền Tây - Xã Quảng Lưu - Huyện Quảng Xương- Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0971469077

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa